Thị trường du lịch Việt Nam đã và đang có nhiều biến đổi nhờ sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp 4.0 và sự ra đời của các công nghệ mới. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số được xem như một yếu tố sống còn, là giải pháp tối ưu với nhiều doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, quá trình này đặt ra nhiều thách thức đáng kể, đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp du lịch phải sẵn sàng chuyển đổi để thích ứng với thị trường.

Chuyển đổi số - khó nhưng phải làm

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp du lịch chính là việc tiến hành chuyển dịch từ mô hình kinh doanh và tiếp thị truyền thống sang mô hình kinh doanh hiện đại hơn nhằm tập trung cải thiện hiệu quả kinh doanh và nâng cao trải nghiệm cho khách du lịch theo mô hình chuỗi giá trị số dựa trên dữ liệu.

Mặc dù khó nhưng chuyển đổi số là điều bắt buộc mà các doanh nghiệp ngành du lịch phải làm để bắt nhịp xu hướng toàn cầu. Việc chuyển đổi số hay không sẽ quyết định sự tồn tại, định hình lại cách doanh nghiệp du lịch vận hành và phát triển. Nếu không chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ khó trụ lại trên thị trường.

Đây cũng là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thúc đẩy tiến trình Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nêu rõ việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành du lịch.

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp du lịch đã thành công trong việc số hóa quy trình hoạt động. Tất cả cán bộ, nhân viên đều đã làm việc trên hệ thống các phần mềm, nâng cấp hệ thống chatbot, ứng dụng big data trong phân tích và xử lý dữ liệu. Đồng thời, công nghệ trong thanh toán, nhận diện khách hàng và quản lý tài sản cũng được cải tiến, mang lại hiệu quả rõ rệt.

>>> Xem thêm: Khung hướng dẫn chuyển đổi số Doanh nghiệp Du lịch Lữ hành

Khó khăn trong chuyển đổi số doanh nghiệp du lịch

Chuyển đổi số doanh nghiệp du lịch khó hay dễ

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp du lịch lớn với nguồn lực vững chắc đều đã áp dụng chuyển đổi số. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi. Những khó khăn này chủ yếu đến từ việc thiếu hụt nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực.

Khả năng tài chính hạn chế

Chuyển đổi số thường đòi hỏi một khoản đầu tư lớn cho việc đầu tư công nghệ, phần mềm và các hệ thống hạ tầng cần thiết. Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc chi trả cho các khoản đầu tư này có thể là gánh nặng tài chính. Nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh trong khi phải chi trả cho các chi phí đầu tư lớn để chuyển đổi.

Điều kiện công nghệ yếu kém

Tại nhiều doanh nghiệp du lịch, điều kiện công nghệ còn thiếu, lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu cho chuyển đổi số. Theo thống kê, các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ thường có nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng, nhân sự bình quân dưới 50 người. Do nguồn vốn còn hạn chế nên có tới hơn 90% doanh nghiệp đang sử dụng thiết bị công nghệ đã lỗi thời dẫn đến hao phí sức lao động, làm giảm năng suất của doanh nghiệp.

Chỉ có 10% doanh nghiệp du lịch thực sự đầu tư và áp dụng các công nghệ tiên tiến để cải thiện được hiệu quả hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn rất nhỏ, không đủ để tạo ra sự thay đổi lớn trong toàn ngành.

Thiếu hụt nhân sự có trình độ về công nghệ, chuyển đổi số

Một vấn đề phát sinh khác trong quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp du lịch là thiếu hụt nhân sự có trình độ về kỹ thuật - công nghệ. Nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đang thiếu đội ngũ nhân viên có kinh nghiệm trong việc triển khai và quản lý các hệ thống công nghệ số.

Việc đào tạo cho nhân viên mới và đào tạo lại cho nhân viên cũ về các kỹ năng số cũng đòi hỏi nguồn kinh phí đáng kể. Tuy nhiên, với tình trạng tài chính còn hạn chế hiện nay, nhiều doanh nghiệp du lịch ngày càng khó chồng khó, vừa phải đối mặt với nhu cầu nâng cao năng lực nhân sự, vừa phải tìm cách cân đối nguồn lực để đầu tư cho chuyển đổi số.

Giải pháp dành cho doanh nghiệp du lịch

Nhìn chung, chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà trở thành yếu tố sống còn đối với các doanh nghiệp du lịch. Mặc dù đã có nhiều doanh nghiệp lớn thành công trong việc số hóa quy trình hoạt động, nhưng các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là về nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực.

Để vượt qua những khó khăn này và tận dụng tối đa các cơ hội mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp, doanh nghiệp cần nghiêm chỉnh nhìn nhận lại những vấn đề, bắt đầu thay đổi từ chính nội tại của doanh nghiệp. Hãy thử bắt đầu đi từng bước nhỏ bằng việc số hóa tài liệu, số hóa quy trình làm việc,.. Sau đó có thể tiếp tục nghĩ đến những ứng dụng công nghệ lớn hơn như ERP, big data, AI, Blockchain,...

Doanh nghiệp cũng nên đầu tư vào đào tạo và phát triển kỹ năng cho đội ngũ nhân viên, đảm bảo rằng họ có đủ năng lực để vận hành và quản lý các hệ thống công nghệ mới. Sự hỗ trợ từ các chuyên gia công nghệ hoặc các đối tác triển khai có thể giúp doanh nghiệp vượt qua những rào cản kỹ thuật và nhanh chóng làm quen với công nghệ mới.

Cuối cùng, việc áp dụng công nghệ không chỉ là về việc sử dụng công cụ mới mà còn là một quá trình thay đổi tư duy và cách làm việc. Doanh nghiệp cần tạo ra một môi trường cởi mở, linh hoạt, để mọi nhân viên đều sẵn sàng đón nhận và thích ứng với sự thay đổi.

Tóm lại, chuyển đổi số là bước đi cần thiết để các doanh nghiệp du lịch nâng cao hiệu suất, tăng trưởng và tối ưu trải nghiệm khách hàng. Mặc dù quá trình này có thể gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, áp dụng công nghệ phù hợp, các doanh nghiệp sẽ có thể đạt được thành công và phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường đầy biến động.

Xem thêm:

>>> Chuyển đổi số - Bắt đầu từ đâu?

>>> 8 nhóm giải pháp thúc đẩy Chuyển đổi số Ngành Du lịch

Đăng bởi: Thùy Trang | 14 Tháng 9, 2024

Tin mới nhất